Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo ngành giáo dục cần đổi mới thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ để đến năm 2015 hướng tới 1 kỳ thi quốc gia. Đây là nhiệm vụ khó, để thực hiện được cần cân nhắc nên bỏ hay giữ lại những gì cần thiết cho 1 kỳ thi đúng thực chất. Ý kiến trao đổi này nhằm tới mục tiêu đó.
Hiện nay thi tốt nghiệp THPT và thi ĐH theo đuổi 2 mục tiêu khác nhau, dùng hai thước đo khác nhau đối với cùng 1 đối tượng, cho 2 kết quả đôi khi trái ngược gây ra nhiều ngộ nhận và những bàn luận trái chiều về chất lượng giáo dục. Hơn nữa, 2 kỳ thi cách nhau có 1 tháng, kết quả kỳ thi trước không sử dụng cho kết quả kỳ thi sau, gây căng thẳng, tốn kém cho gia đình và xã hội. Cả 2 kỳ thi chưa bao quát được số lượng lớn nội dung kiến thức cả cấp học, chỉ đo được một phần nhỏ trong kết quả học tập của HS. Bộ đã có chủ trương thay đổi cách thi ĐH từ năm 2015, hiện nay đề án đổi mới thi tuyển đang lấy thêm nhiều ý kiến chuyên gia và xã hội. Hiện có những luồng ý kiến như sau: Trước tình hình thi tuyển có nhiều phức tạp, tốn kém cho xã hội, căng thẳng cho HS có thể bỏ thi ĐH, lấy kết quả tốt nghiệp THPT để xét tuyển vào ĐH. Điều đó không có nghĩa là gộp 2 kỳ thi làm một mà phải là tổ chức một kỳ thi sao cho đủ tin cậy, chính xác, có thể thỏa mãn 2 mục tiêu của cả 2 kỳ thi hiện nay, vừa có thể xét công nhận tốt nghiệp cho đa số HS (80 - 95%), vừa đủ sức phân hóa để tuyển số lượng ít hơn trong đó vào ĐH, CĐ. Để thực hiện được điều này, cần chú trọng cả 4 khâu. Trong đó ra đề thi là khâu then chốt, làm sao phải hội được nội dung phân loại HS. Phổ điểm có thể giãn ra 20 (chấm thi sẽ chi tiết và chính xác hơn). Ví dụ, trung bình mỗi môn 6 điểm là có thể công nhận tốt nghiệp, nhưng để vào ĐH cần là 13 điểm /môn. Để tuyển vào ĐH sẽ phân ra các nhóm môn để xét tuyển theo các khối A, B, C, D. HS phải đăng ký trước khi thi và nộp kết quả thi về trường ĐH đợi xét tuyển. Một số ít ngành năng khiếu và đặc thù như văn học, báo chí nghệ thuật… có thể tổ chức một kỳ thi riêng, với hình thức thích hợp tại trường ĐH đó nhưng thí sinh cũng đã được qua vòng sơ tuyển của kỳ thi chung. Nên tách hoàn toàn khâu THI và khâu XÉT TUYỂN vào ĐH, CĐ. Tổ chức thi, chấm thi và thông báo kết quả; sau đó mới tổ chức xét tuyển. Các dữ liệu nguyện vọng (mỗi thí sinh có không quá 3 nguyện vọng) được xử lý tập trung trên mạng, sắp xếp, lựa chọn tối ưu để giới thiệu cho các trường xét tuyển, như vậy sẽ không gây ra hiện tượng "ảo” đáng kể. Cần khẩn trương thành lập hệ thống quản lý kết quả học tập 3 năm học THPT theo 3 cấp: Trường - Sở - Bộ, với một quy trình kiểm định chặt chẽ, chính xác, mã hóa toàn bộ danh sách HS dự thi theo địa chỉ Hội đồng mà HS thi tốt nghiệp phổ thông, khi tra cứu, xét tuyển thí sinh sẽ đảm bảo chính xác trên mạng máy tính. Khi sử dụng kết quả học tập để xét tuyển, có thể xét và lượng hóa thành điểm số các thành tích phấn đấu của HS như Thể dục, văn nghệ, các hoạt động xã hội khác. Làm tốt khâu này, sẽ xóa bỏ được nạn chạy học bạ đẹp, giảm thiểu được thói gian dối trong điểm số các năm học. Phương án thi này nếu được chấp nhận, cần có khoảng thời gian từ 1 - 2 năm chuẩn bị cơ sở thông tin, hệ thống máy móc phải được đảm bảo khi vận hành. Chuẩn bị về dư luận xã hội, vì đây là bước đột phá mới của ngành giáo dục sau hơn 40 năm thi 2 kỳ thi song hành. Cần cho xã hội hiểu và đóng góp những ý kiến hoàn thiện cách thi mới một cách tối ưu phù hợp với thời đại và đặc thù Việt Nam. Hoàng Lan (Hà Nội) |
0 nhận xét:
Đăng nhận xét