Mặc dù Bộ Y tế đã công bố dịch sởi đã giảm dần từ hơn 1 tháng qua, bệnh nhi mắc căn bệnh này vẫn ùn ùn nhập viện tại BV Nhi TƯ. Giường bệnh quá tải 200%, bệnh nhân nặng thở máy cũng phải nằm ghép, nhân viên y tế làm đến 9h tối vẫn chưa hết việc. Phòng của Phó trưởng khoa, phòng bác sĩ (BS) của khoa Truyền nhiễm, rồi đến các khoa lân cận khoa Tâm bệnh, Đông y, Cấp cứu lưu cũng bị trưng dụng cho bệnh nhân sởi. Tình trạng xáo trộn này đã kéo dài gần 2 tháng qua khiến các BS, điều dưỡng ở đây sắp không chịu nổi sức ép.
Quá tải, bệnh nhi sởi nặng phải thở máy cũng phải nằm ghép. Cấp cứu cũng phải nằm ghép Bốn BS ở khoa này, trong đó cả lãnh đạo khoa đều dồn bàn làm việc vào kho đồ để dành cho kê giường bệnh như thế. Các máy chụp X. quang, siêu âm di động, máy thở ở các khoa khác được huy động mang sang đây ưu tiên. Những bệnh nhân viêm màng não mủ, nhiễm trùng máu – đều là những bệnh nặng được “tránh” sang các khoa Thần kinh, Dị ứng. Trưng dụng thêm các buồng bệnh như thế, Khoa Truyền nhiễm đã có thêm 40 giường, ngoài hơn 50 giường đã có sẵn. Thế nhưng, với thường xuyên là 200 – 210 bệnh nhi sởi, trong đó 50% đang suy hô hấp, phải thở oxy, thở máy, con số giường được chi viện vẫn như muối bỏ biển.
Phòng cấp cứu của Khoa Truyền nhiễm được thiết kế chỉ dành cho 6 giường bệnh, nhằm đảm bảo khoảng không gian hợp lý, tránh lây nhiễm chéo. Nhưng giờ thì có tới 12 em bé dưới 9 tháng tuổi đang phải nằm thở máy ly bì. Cháu Nguyễn Đức Hoàng (4,5 tháng tuổi) đã nằm ở đây hơn 1 tuần. Xung quanh là 7 loại máy hỗ trợ như máy thở, monitor theo dõi, truyền dịch, truyền kháng sinh, truyền thống vận mạch… Tuy nhiên, phim X quang chụp phổi những ngày gần đây vẫn còn trắng, cho thấy tình hình của cháu chưa được cải thiện. Thậm chí, cháu vẫn co giật, có nguy cơ biến chứng viêm não. Hầu hết các cháu ở phòng cấp cứu này đều nặng như vậy. Bệnh nhân gấp đôi số giường bệnh, số lượng máy móc hỗ trợ cho bệnh nhân nhiều hơn, nên không chỉ bác sĩ mà các điều dưỡng cũng làm không ngơi tay. Điều dưỡng Hồ Thị Bích đang mang thai 4 tháng cũng phải đi trực đêm, đã hơn 9h tối vẫn tiếp tục lấy thuốc, tiêm truyền, theo dõi máy thở cho các cháu.
Dịch chưa giảm khi trời chưa nắng BS Đỗ Thiện Hải - Phó trưởng khoa Truyền nhiễm cho biết: Bình thường, bệnh nhân sởi kể cả có viêm phế quản, viêm đường hô hấp trên nhẹ chỉ mất khoảng 5 – 7 ngày nằm viện là khỏi bệnh. Nhưng với các bệnh nhân biến chứng này, các cháu thường phải nằm viện 2 – 3 tuần. Thậm chí thở máy Ecmo là phương pháp chưa từng áp dụng cho bệnh nhân sởi, cũng đang được BV áp dụng cho các cháu để điều trị.
BS Hải nhận định: Thông thường, mỗi năm, BV Nhi TƯ chỉ tiếp nhận khoảng 30 – 40 ca sởi. Vụ dịch năm 2009 – 2010 trong 1,5 năm có khoảng 100 trường hợp. Vì thế, 1.000 bệnh nhập viện điều trị chỉ trong 4 tháng qua là một sự, gia tăng bất thường. Đó là chưa kể các trường hợp nhẹ, sau khi xét nghiệm máu xác định dương tính với sởi, nhưng chụp X – quang không có tổn thương phổi đều được cho về điều trị tại nhà. Qua sàng lọc như thế, mỗi ngày khoa Truyền nhiễm hiện nay vẫn tiếp nhận khoảng 15 – 30 bệnh nhi sởi nhập viện.
Virus sởi phát triển mạnh vào thời tiết chuyển mùa. Thế nên, sau một buổi chiều nắng, cơn mưa phùn lúc tối đêm 10.4 lại khiến các BS ở đây thêm lo lắng, bởi dòng bệnh nhân sởi đổ về BV Nhi TƯ sẽ chưa thể ngớt. Lúc 9h30 tối, tại khoa Khám bệnh vẫn còn hàng chục cháu bé đang chờ khám vì các triệu chứng sốt, bệnh đường hô hấp. BS Hải tiễn các phóng viên chúng tôi ra khỏi khoa, và quay trở lại ăn suất cơm hộp cho bữa tối, chuẩn bị sẵn sàng cho một đêm trực không yên ả trong ca trực của mình. Vì sao nhiều em bé dưới 1 tuổi, hầu như chưa đi học, cũng chưa được đi chơi xa, chỉ tiếp xúc với mọi người trong gia đình mà vẫn bị mắc sởi? BS Hải cho biết đã nghe câu hỏi này rất nhiều lần. BS Hải cho biết: Khoa Truyền nhiễm đề nghị mỗi bệnh nhi, dù nặng cũng chỉ có 1 người nhà ở lại chăm sóc; đồng thời hạn chế người vào thăm. Một phần lý do để giảm tải lượng người trong BV. Nhưng điều đó cũng hạn chế nguồn bệnh từ BV theo đó phát tán ra cộng đồng. Giai đoạn ủ bệnh và sau phát ban 3 – 4 ngày là lúc bệnh lây mạnh nhất. Mỗi người từ ở BV về, đặc biệt là từ các khoa lây nên tắm gội sạch sẽ, nhỏ thuốc mũi, súc họng nước muối để loại trừ virus sởi, không nên tiếp xúc với trẻ nhỏ và người chưa mắc sởi trong vòng vài giờ sau đó. Tin bài đọc nhiều |
0 nhận xét:
Đăng nhận xét