Phú Yên hiện vẫn còn trên 5000 hộ nghèo đang còn ở nhà tạm, bởi vậy, làm thế nào để chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, cũng như đánh bắt khai thác thủy sản, mang lại hiệu quả kinh tế cao, từng bước giảm nhanh việc xóa nghèo và xóa nhà tạm luôn là việc Mặt trận cùng các cấp chính quyền trăn trở . Ông Lương Mộng Sanh - Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Phú Yên đã có cuộc trao đổi với Đại Đoàn Kết về vấn đề này.
PV: Thưa ông, hiện nay tỉ lệ đói nghèo của tỉnh Phú Yên đang ở mức nào? ![]() Ông Lương Mộng Sanh: Phú Yên là tỉnh mới được tái lập, điểm xuất phát thấp, nằm dọc theo ven biển Nam Trung bộ, khí hậu khắc nghiệt, thiên tai lũ lụt xảy ra liên tiếp làm ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống của bà con nhân dân. Do vậy tỷ lệ đói nghèo vẫn ở mức cao so với bình quân cả nước, trên 13% (theo chuẩn mới). Trước tình hình đó Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Mặt trận luôn trăn trở làm thế nào để đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội. Đặc biệt thực hiện tốt Nghị quyết số 24 của HĐND tỉnh về việc giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững của tỉnh Phú Yên. Nhưng làm cách nào để xóa gần 5000 căn nhà tạm, thưa ông? - Trong bối cảnh này, việc phát huy tinh thần "tương thân tương ái” là cách làm tốt nhất. Trên thực tế, với sự giúp đỡ của cộng đồng dân cư bằng ngày công lao động, vật liệu, đến nay đã có hàng ngàn ngôi nhà dột nát, tạm bợ được xây dựng mới. Chương trình làm nhà đại đoàn kết cho người nghèo đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ của các cấp các ngành và đặc biệt là những đóng góp to lớn từ đội ngũ cán bộ công nhân viên chức, lực lượng vũ trang trong toàn tỉnh để nguồn Quỹ vì nghèo ngày càng lớn. MTTQ tỉnh Phú Yên cũng vừa phối hợp với Hội đồng hương Phú Yên tại TP.Hồ Chí Minh vận động Cty cổ phần XDGT Việt Nam ký cam kết hỗ trợ trên 1 tỷ đồng để xây mới 100 nhà đại đoàn kết chào mừng Đại hội Mặt trận tỉnh nhiệm kỳ 2014 - 2019. Công ty cổ phần xây dựng Hiệp Hòa mỗi năm ủng hộ Quỹ Vì người nghèo và tặng quà cho gia đình chính sách và người nghèo hàng trăm triệu đồng, riêng năm 2013 Cty đã ủng hộ trên 1,5 tỷ đồng xây nhà đại đoàn kết, xây chùa… Tất cả những hoạt động này sẽ góp phần xóa nhà tạm cho hộ nghèo, giúp đỡ người nghèo vượt qua khó khăn cải thiện cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững, cơ bản xóa song nhà tạm bợ, dột nát vào cuối năm 2015. Được biết, trong mấy năm qua, dù là một tỉnh nghèo nhưng Phú Yên đã có nhiều bứt phá trong việc phát triển kinh tế? - Đúng vậy, trong mấy năm qua Phú Yên có những bước đột phá trong việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, lồng ghép các chương trình với nhau tạo sự khởi sắc về mọi mặt, nhất là việc đầu tư xây dựng các khu công nghiệp, khu chế xuất, với sự ra đời nhiều nhà máy chế biến nuôi trồng thủy sản, đưa giá trị hàng hóa ngày một cao, tạo nhiều việc làm cho người lao động. Đồng thời có chính sách ưu đãi cho các hộ nghèo, ngư dân để mua sắm vật tư trang thiết bị máy móc, đóng mới tàu có công suất cao vươn khơi bám biển. Trong những thành quả quan trọng đó, Mặt trận đã có đóng góp gì, thưa ông? - Có thể nói, trong thời gian qua, Mặt trận và các tổ chức thành viên đã có những đóng góp không nhỏ trong việc tuyên truyền vận động bà con nhân dân và chính các hội viên của mình hăng hái lao động sản xuất giỏi, hoàn thành các mục tiêu kinh tế, xã hội do tỉnh đề ra. Đặc biệt, đã góp phần quan trọng vào việc củng cố và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tăng cường sự đồng thuận trong xã hội, công tác tham gia xây dựng Đảng, xây dựng củng cố chính quyền được phát huy, góp phần quan trọng vào việc thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ kinh tế, xã hội của tỉnh. MTTQ đã góp phần cùng chính quyền các địa phương có chính sách hỗ trợ, kích cầu các phương thức làm ăn hiệu quả, đẩy nhanh xóa đói giảm nghèo như mô hình "hũ gạo tiết kiệm”, "heo đất tiết kiệm” "tổ phụ nữ tiết kiệm”, phụ nữ giúp nhau làm kinh tế, cho vay vốn không lấy lãi… của Hội Phụ nữ huyện Sơn Hòa. Phong trào giúp nhau làm kinh tế của Hội cựu chiến binh, huyện Đông Hòa. Cùng với đó là đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đường trường trạm cho các xã nghèo, kết hợp với các trung tâm khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư hướng bà con cách làm hay, đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt phong trào tương thân, tương ái của các cấp hội đoàn thể trên địa bàn tỉnh, giúp cho hàng trăm gia đình thoát cảnh đói nghèo, xây mới hàng ngàn ngôi nhà đại đoàn kết, giúp đỡ hàng ngàn ngày công lao động cho các gia đình neo đơn không nơi nương tựa và gia đình chính sách. Chỉ tính riêng năm 2013 toàn tỉnh đã xóa được gần 800 nhà tạm, với tổng kinh phí trên 21 tỷ đồng. Trân trọng cảm ơn ông! Hải Lộng (thực hiện) |
0 nhận xét:
Đăng nhận xét