Thứ Ba, 6 tháng 5, 2014

[Ô tô-Xe máy-Lao Động] - Những chiếc “Boeing” trên đường cao tốc

Con đường cao tốc dài tới 700km nối Yangon tới Mandalay có 4 làn xe, hoàn toàn bằng bêtông phẳng lỳ đang là niềm tự hào của người Myanmar. Con đường cao tốc ấy không chỉ nối 3 thành phố lớn nhất Myanmar mà còn là sợi dây liên kết về không gian và thời gian giữa Yangon - đại diện cho hiện tại, cố đô Mandalay và Nay Pyi Taw - nơi vừa tổ chức thành công SEA Games 27, hiện thân của tương lai…


Một góc Yangon - nơi hoàn toàn vắng bóng xe máy. Yangon và cái chết của xe máy

Điểm đầu tiên của con đường cao tốc dài 700km, là Yangon - từng là thủ đô của Myanmar trước khi chính phủ quyết định “dời đô” lên vùng Nay Pyi Taw cách Yangon 400km từ năm 2005. Yangon khác với hình dung của nhiều người là chỉ có chùa vàng Shwedagon lộng lẫy còn lại là những hình ảnh xưa cũ, lạc hậu, nghèo nàn. Chẳng hạn thông tin ban đầu là khó kiếm taxi. Không phải như vậy. Yangon quá nhiều taxi. Taxi ở đây tràn ngập và có cảm tưởng như khi đi đường, chỉ cần lỡ đưa tay ra là taxi đỗ xịch trước mặt. Kết quả này có được là do 10 năm nay, Yangon cấm xe máy vào nội đô và từ khi Myanmar tiến hành cải cách, số lượng taxi ở Yangon tăng vọt hằng ngày, hằng giờ...

Đưa tôi từ trung tâm TP.Yangon ra bến xe, người lái taxi muốn 8.000 kyat (khoảng 7USD, tương đương 150.000 đồng Việt Nam) cho một đoạn đường khoảng 20km. Xe rất cũ, không đồng hồ tính tiền, khách tha hồ mặc cả nhưng giá 8.000 kyat/20km ở Yangon là chấp nhận được.

“Mỗi ngày có 500 taxi được đăng ký mới ở đây - người lái xe nói. “500 mỗi ngày?”. “Đúng vậy và chúng tôi đang lo ngại đó là một nguy cơ mới. Lượng xe tăng quá nhanh khiến giao thông ở Yangon chịu không nổi nữa”. “Liệu việc cấm xe máy có quá khó khăn không?” - tôi hỏi.

Người lái xe cười rất tươi: “Thật may là chúng tôi cấm xe máy khi số lượng chưa nhiều. Cấm là cấm, đơn giản vậy thôi. Quyết liệt và không khoan nhượng, thậm chí cả những chiếc xe máy do chính phủ quản lý, trừ xe của cảnh sát, cũng không được hoạt động”.

Việc cấm nghiêm ngặt xe máy được thực hiện, mức phạt cho sự xuất hiện của xe máy là khoảng 20.000 kyat (tương đương 450 ngàn đồng Việt Nam). Thế nhưng nếu cố tình đi vào những nơi quy định chặt hơn, phương tiện sẽ bị tịch thu. Mỗi năm, ở Yangon, thành phố hơn 6 triệu dân, chỉ có chưa đến 1.000 trường hợp vi phạm, chủ yếu là ở các vùng khác đến.

Thực tế thì đã có lúc Yangon gặp vấn đề nghiêm trọng về giao thông:Taxi thiếu, xe bus thì rách nát cũ kỹ, xe máy thì không được sử dụng. Năm 2008, Myanmar dự kiến bãi bỏ lệnh cấm này. Chỉ trong khoảng thời gian ngắn ngủi nới lỏng lệnh cấm, số lượng tai nạn giao thông tăng vọt cũng như các quy tắc về giao thông ăn dần vào nếp sống bỗng nhiên có nguy cơ bị phá vỡ bởi cơn “sóng thần” xe máy. Yangon lại “nói không” với xe máy.

“Chúng tôi tự hào Yangon là nơi rất ít tai nạn giao thông vì không có xe máy. Nhưng quả thật, áp lực mới lại xuất hiện”- người lái xe chia sẻ.


Quang cảnh bến xe ở Mandalay.

Chỉ chừng vài cây số trong giờ cao điểm, áp lực mà người lái taxi vừa nói đã xuất hiện: Tắc đường. Giao thông ở Yangon được quy hoạch từ những năm 60 của thế kỷ trước, khá thông thoáng, tiện lợi nhưng giờ đang chịu áp lực cực lớn về số lượng ôtô tăng nhanh mỗi ngày.

Ở Yangon, đa số là những chiếc xe cũ, thậm chí có những chiếc xe ở Việt Nam sẽ không được đăng kiểm thì ở Myanmar nó vẫn... chạy tốt. Nhưng có vẻ điều ấy không quan trọng. Trong các chợ ôtô bãi ngập tràn ở Yangon, những chiếc xe cũ chỉ từ 5.000 USD đến 10.000USD. Thủ tục đăng ký đơn giản.

Nói Myanmar là thiên đường xe cũ cũng đúng. Xe tay lái nghịch, tay lái thuận lẫn lộn. Nhưng đa số vẫn là tay lái nghịch do xe cũ nhập từ Ấn Độ, Thái Lan cho dù, cũng giống như ở Việt Nam, đường thuận là bên phải. Myanmar vẫn nghèo, nhiều góc phố ở Yangon trông không khác gì Sài Gòn cách đây nửa thế kỷ.

Thế nhưng, trong dòng xe ôtô dày đặc ở Yangon đã bắt đầu bắt gặp những chiếc Lexus, thậm chí cả siêu xe Bentley bóng lộn đậu hờ hững cạnh vỉa hè, trà trộn giữa những chiếc xe đạp được cải tiến để có thể chở được... 3 người.

Yangon không xe máy. Yangon bắt đầu đối mặt với thảm họa của giao thông hiện đại là kẹt xe. Nhưng thật lạ lùng đi khắp thành phố, thật hiếm bóng dáng cảnh sát giao thông. Họ - những cảnh sát giao thông dường như chỉ xuất hiện vào khoảng nửa đêm để kiểm tra xe. Cảnh sát đứng thành từng nhóm, như đội 141 ở Hà Nội, kiểm tra an ninh khá kỹ và chỉ “thông thoáng” khi những vị khách chìa thẻ SEA Games ra như một thứ giấy thông hành.

Trải nghiệm trên những chiếc… “Boeing”

Nếu tin ở Myanmar chỉ có những chiếc xe khách bụi bặm, hành khách chen chúc tới mức thò cả đầu cả chân ra ngoài thì đó là một nhầm lẫn tai hại. Có nhiều hãng xe khách, nhiều loại xe khách từ siêu bình dân với những chiếc trông không khác lồng gà, những chiếc xe khách bình dân, giá cả phải chăng và đặc biệt, là loại xe bus khổng lồ, đẹp “long lanh” và hành khách là những ai muốn làm... VIP. Tôi thích làm VIP. Tôi chọn một hãng xe có uy tín là Elite (Elite Express High Class).

Giá vé cho chặng Yangon - Mandalay dài 700km là 20.000 kyat (gần 400 ngàn đồng Việt Nam) rẻ bằng 1/5 đến 1/7 so với giá vé máy bay Yangon - Madalay. Mua vé phải đặt trước, trước khi lên xe, hành khách tới sớm 30 phút để làm một số thủ tục như ở sân bay: Cất hành lý, ghi tên hành khách, riêng hành khách nước ngoài bắt buộc phải điền thông tin cá nhân: Tên tuổi, số hộ chiếu...


Xe khách hạng sang ở Myanmar.

Và chiếc xe của Hãng Elite bắt đầu nổ máy. Hãng này nhập một dàn xe khách hạng siêu sang thương hiệu nổi tiếng Scania của Thụy Điển. Hiện 49% cổ phần của Scania thuộc sở hữu Tập đoàn Volkswagen - Đức. Đó là một chiếc xe khổng lồ, tuyệt đẹp.

Nhưng phải vào trong mới thấy đẳng cấp: Những chiếc ghế bọc nỉ mượt như nhung và quan trọng là nó rộng rãi y hệt ghế hạng business (thương gia) trên máy bay. Phía trước ghế là màn hình cảm ứng, khách có thể chọn phim, nghe nhạc hoặc chơi game tùy thích; nếu không, có thể ngả chiếc ghế to đùng đó ra để ngủ. Cũng chưa phải là phần hấp dẫn nhất.

Chuyến xe VIP đi từ Yangon tới Mandalay cũng có tiếp viên nữ, khá xinh đẹp, ăn nói nhẹ nhàng. Xe chuyển bánh một lúc, tiếp viên này, vẫn với sự nhẹ nhàng hiếm có đi tới từng hàng ghế và mời hành khách đồ ăn nhẹ - là những phần bánh ngon tuyệt, miễn phí. Và nếu muốn, khách có thể được mời uống cà phê.

Một sự ngạc nhiên khác trong phong cách phục vụ, là khi xe dừng ở trạm nghỉ để khách ăn tối, đi vệ sinh. Lúc ấy đã nửa đêm, người nữ tiếp viên dịu dàng đã chờ sẵn cửa xe, nhẹ nhàng đưa cho mỗi hành khách một gói nhỏ trong đó gồm: Một khăn lau lạnh, một khăn mặt khô và đặc biệt là thêm bộ bàn chải -thuốc đánh răng...

“Đây là dịch vụ xe khách tốt nhất ở Myanmar - người bạn đồng hành mang tên Soe Miat nói - bây giờ nhiều hãng xe đã đầu tư những chiếc xe hạng sang như thế này cho những quãng đường dài. Giá vé đắt, tất nhiên, nhưng anh cứ yên tâm, suốt 700km, anh chỉ có cảm giác mình ngồi trên máy bay”. Thật ra, vụ “bàn chải và kem đánh răng” thậm chí là một ưu thế vượt trội giữa xe bus VIP ở Myanmar và máy bay Boeing.

Kỳ lạ, ngồi xe khách y hệt ngồi... máy bay. Tốc độ tối đa là 100km/giờ, hầu như không có cảnh sát, thỉnh thoảng chỉ có những cột đèn nhấp nháy báo tín hiệu của phương tiện: Đèn đỏ - bạn đã quá tốc độ cho phép, đèn xanh - tốc độ an toàn.

Từ Yangon đi Mandalay mất 9 tiếng (tính cả thời gian nghỉ ở trạm dừng chân), hành khách không có cảm giác mệt mỏi dù vừa trải qua hành trình xuyên đêm. Chỉ có điều, khi xuống bến xe ở Mandalay, có một cảnh tượng rất... Việt Nam: Hàng chục người lái xe ôm chạy ầm ầm đuổi theo xe, đứng bu đặc ở cửa xe, chỉ trỏ, mời khách. Nếu Yangon là vùng đất chết của xe máy thì Mandalay lại là nơi xe máy tung hoành, lộn xộn và thường trực hiểm nguy.

Tôi chợt nghĩ, đoạn đường 700km, vừa vặn chặng Hà Nội - Đà Nẵng. Bao giờ chúng ta mới có một con đường cao tốc phẳng lỳ chạy tốc độ liên tục 100km/giờ? Có lẽ việc xây dựng một con đường cao tốc cho những chiếc “Boeing” lướt trên đó không khó bằng việc xây dựng văn hóa giao thông: Sự nhường nhịn, thái độ văn minh lịch sự trong phục vụ...

Tôi nhớ mãi câu nói của anh bạn đồng hành: “Myanmar cũng như chiếc “Boeing” đang chạy trên đường cao tốc, chúng tôi còn rất nhiều việc phải làm nhưng chúng tôi đầy nội lực. Sẽ không lâu nữa đâu, Myanmar sẽ cất cánh bay trên bầu trời...”. Chỉ cần qua một vài trải nghiệm về giao thông ở Myanmar, dù chỉ là những lát cắt, tôi vẫn tin anh bạn đồng hành Soe Miat nói đúng.


0 nhận xét:

Đăng nhận xét